Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cách đây 50 năm, từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số tỉnh, thành ở miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân miền Bắc đã tiến hành
Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng, làm nên chiến thắng vẻ vang, được ví như trận “Điện Biên Phủ trên không” - một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngay từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (1) . Đúng như dự báo của Người, năm 1972, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc.
Trước những thất bại ngày càng to lớn về quân sự và chính trị ở cả hai miền Nam - Bắc, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ, ngày 22/10/1972, Mỹ đã buộc phải thỏa thuận với ta về bản hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng với bản chất ngoan cố, xảo quyệt, ngay sau đó, phía Mỹ đã lật lọng tráo trở, trì hoãn việc ký hiệp định; đồng thời, ráo riết chuẩn bị tiến hành những hành động phiêu lưu quân sự mới, huy động tối đa khả năng hủy diệt của “pháo đài bay” B-52. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Linebacker II (Operation Linebacker II) đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán.
Sáng ngày 18/12/1972, Ronald Ziegler - Phát ngôn viên Nhà Trắng chính thức thông báo lệnh của Tổng thống Nixon: “Tái oanh tạc các mục tiêu quân sự trên toàn lãnh thổ Bắc Việt và nhấn mạnh rằng, hành động này sẽ được tiếp diễn cho tới khi đạt được một thỏa hiệp chấm dứt chiến cuộc Việt Nam”(2) . Chiến dịch Linebaker II được thực hiện qua 2 đợt: Đợt 1: 18-24/12/1972; Đợt 2: 26 - 29/12/1972.
Đây là chiến dịch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Mỹ huy động hầu hết máy bay thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược 8, gồm các liên đội 43 và 76 ở Guam, Liên đội 307 ở Utapao (Thái Lan), với tổng số 193 chiếc B-52 (chiếm 50% số máy bay B-52 trong biên chế); 2 đại đội máy bay F-111A (gồm 48 chiếc), 999 máy bay chiến đấu các loại bố trí ở Thái Lan, miền Nam Việt Nam và trên 6 tàu sân bay ở Biển Đông. Ngoài ra, còn một số máy bay tiếp dầu KC-135 và các máy bay bảo đảm khác. Về lực lượng hải quân, Mỹ tăng cường tàu chiến hoạt động ở vịnh Bắc Bộ từ 18 lên 66 chiếc (chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của Hạm đội 7).
Trong chiến dịch có tổng cộng 741 lượt B-52 vào ném bom Bắc Việt Nam, trong đó có 12 lượt bị hủy. Cùng thời gian đó, vẫn có 212 lượt B-52 đi ném bom ở miền Nam Việt Nam. Hỗ trợ cho các máy bay ném bom là 3.920 lượt máy bay ném bom chiến thuật của không quân và hải quân. Tổng cộng, đã có 15.000 tấn bom đã được thả xuống những nơi được Mỹ coi là 18 mục tiêu công nghiệp và 14 mục tiêu quân sự. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại miền Bắc Việt Nam là rất nặng nề. Hà Nội, Hải Phòng bị tàn phá, các nhà xưởng, nhà máy điện và các khu dân cư trở thành đống gạch vụn. Số dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch là 2.200 người, trong đó, con số tại Hà Nội được thống kê là 1.318 người.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cùng ý chí, quyết tâm, vượt lên trên mất mát, đau thương, các lực lượng phòng không - không quân cùng với quân dân Hà Nội, Hải Phòng, cũng như quân và dân các tỉnh miền Bắc nói chung đã chủ động, tự tin, từng bước đánh bại nỗ lực quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ. Kết quả, trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4D, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53 và 1 máy bay không người lái, bắt nhiều phi công Mỹ (3). Sau 2 đợt tập kích, lực lượng không quân Mỹ bị tổn thất nghiêm trọng, nhưng không đạt mục đích đề ra. Sáng ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị được nối lại cuộc gặp với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris.
Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mỹ phải kí Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đánh giá thắng lợi của quân và dân ta trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đây là thất bại nặng nề nhất của không quân chiến lược và chiến thuật Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược man rợ nhất của chúng, với toàn bộ không quân hiện đại của Mỹ ở Đông Nam Á. Đây là thắng lợi to lớn nhất, chiến công xuất sắc nhất của chiến tranh nhân dân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đánh thắng chiến tranh phá hoại của tên đế quốc đầu sỏ” (4). Sau này, chính Tổng thống Richard Nixon thừa nhận: “Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh Việt Nam là đợt chúng ta đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào dịp Noel năm 1972, nhưng chúng ta đã thất bại... Thất bại ở Việt Nam là thảm họa lớn đối với Mỹ, từ nay không còn ai muốn có thêm những Việt Nam nữa”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, song, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi còn vang vọng, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, như một bản anh hùng ca bất khuất, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, cũng như ý chí, khát vọng và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
-------------